-
Tìm lại khả năng nghe - Kim Ngân 23 tuổi Cháu viết bức thứ này mong sẽ giúp đỡ một phần nào đó trong quá trình tìm lại âm thanh của các em.
-
Viết cho những ngày con biết gọi mẹ! Con sinh ra trong sự chào đón, mong chờ của mẹ và cả gia đình. Mẹ phải nói thật là sinh con xong, lẫn trong sự đau đớn, mệt mỏi sau cuộc mổ đẻ, là cảm giác lo lắng, bất an và...
-
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM NGÔN NGỮ - BÉ HÀ LINH Mẹ cho em đi học mẫu giáo hòa nhập từ khi em 18 tháng. Em thực sự hòa đồng và thích nghi được với môi trường nhà trẻ “Mẹ ơi, Bi vẽ quả bóng màu hồng ạ”.
-
Tôi đã có hy vọng để tiếp tục sống – Bé Trung Kiên Được bác sĩ tư vấn về cấy ốc tai điện tử sẽ giúp bé nghe được, tôi vô cùng vui mừng và tràn đầy hy vọng.
-
HÃY TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI “THAM LAM” – Bé Hoàng Anh Tú Tham lam là những khát khao quá mức để sở hữu những gì không hoặc chưa thuộc về mình và thường được cho là một đức tính xấu, nhưng từ sâu thẳm lòng mình mẹ lại mong muốn con làm được điều này ở góc độ tích cực.
Khoảnh khắc ấy tôi không bao giờ quên được - BÉ NGUYỄN GIA KHANG
Nghe cái giọng nói ngọng nghịu, nhìn cái miệng uốn éo một cách khó khăn của con, tôi thực sự hạnh phúc
Họ tên bé : NGUYỄN GIA KHANG
Sinh ngày : 02/11/2009
Ngày cấy : 26/9/2011 Bật máy: 13/10/2011
Tôi là mẹ của bé Nguyễn Gia Khang. Gia Khang sinh ngày 02/11/2009. Đến nay, bé được 3 tuổi 8 tháng. Đến với chương trình này, tôi muốn chia sẻ với mọi người chuỗi cảm xúc của mình về những thay đổi trong quá trình nghe và nói của bé Gia Khang.
Có lẽ cũng như bao ông bố bà mẹ khác, tôi không thể nào quên được cái cảm giác đau khổ chỉ muốn chết đi khi biết con mình bị điếc. Khi Gia Khang được 5 tháng, tôi và gia đình đã mơ hồ không biết Gia Khang có nghe được không vì gọi tên hoài không thấy phản ứng, chỉ khi ở trước mặt thì bé mới cười đáp lại, làm gì bé cũng cười, rất là đáng yêu. Tôi tự an ủi mình có lẽ do con ăn uống kém, suy dinh dưỡng nên mới phát triển chậm. Tôi không dám nghĩ đến chuyện con mình bị điếc nên tự đánh lừa mình, "con chỉ chậm thôi, không sao đâu". Cho đến khi Gia Khang được 8 tháng, tôi sốt ruột quá nên đưa con đi khám. Từ Nhi Đồng 1 cho tới Tai Mũi Họng, tôi và con rong ruỗi mấy ngày trời, đo thính lực 4-5 lần. Tôi không muốn tin vào sự thật là con mình bị điếc sâu. Tôi hi vọng có một sự thay đổi nào đó ở lần đo khác. Nhưng kết quả vẫn vậy, bác sĩ nói Gia Khang đeo máy trợ thính sẽ không hiệu quả. Cả 2 tai của Khang đều điếc trên 120 dB và chỉ nghe được âm trầm ở tần số 500 Hz. Cả nhà tôi như chết điếng. Chồng tôi và gia đình chồng ai cũng cho là tôi ốm yếu nên mới sinh ra con như vậy. Không ai an ủi tôi một lời nào. Thực sự đến bây giờ tôi vẫn còn tự trách mình đã không cho con một cơ thể lành lặn, để con phải chịu nhiều thiệt thòi. Thời điểm đó tôi chỉ muốn ôm con chết đi để không phải chịu những đau khổ dày vò nữa. Nhưng rồi nghĩ lại, con không có tội tình gì nên tôi cố gắng tiếp tục sống và lo cho con.
Theo lời khuyên của bác sĩ, tôi cho Khang đeo máy "Naida III up" vì bác sĩ tư vấn có đeo máy tốt hơn Khang vẫn không nghe được, đeo máy để duy trì hoạt động của dây thần kinh thính giác chờ cấy ốc tai điện tử. Rồi tôi tìm hiểu và tin vào hiệu quả của điện cực ốc tai. Tôi cố gắng chăm cho con đủ sức khoẻ để phẩu thuật vì lúc đó Gia Khang suy sinh dưỡng. Cả nhà tôi lại hi vọng.
Đeo máy trợ thính hơn một năm trời, Khang không nghe được gì, chỉ có tiếng trống là mơ hồ vì phản ứng không rõ ràng, lúc quay lại lúc không.
Đến khi Gia Khang đủ sức khoẻ để phẫu thuật, tôi đưa Khang đi chụp CT, MRi. Linh cảm của người mẹ đã khiến tôi lo lắng, tôi hồi hộp chờ kết quả, trưa đó tôi không có tâm trí để ăn uống gì, tôi sợ Gia Khang ốc tai bị xương hoá hoặc bị gì đó bất thường không mổ được. Thật đúng như vậy, đọc dòng kết quả của bác sĩ mà tôi rụng rời, "hình ảnh ốc tai không rõ ràng". Tôi cầm kết quả chạy ngay lên bệnh viện Tai Mũi Họng gặp bác sĩ Giang và được cho biết Khang không có ốc tai cả 2 bên, sợ không mổ được. Bao nhiêu hi vọng trong tôi sụp đổ. Tôi vừa chạy xe vừa khóc, chỉ mong cho cái xe nào đó đâm vào mình để chết đi cho đỡ khổ. Nhưng nghĩ tới con, tôi lại vượt qua. Cả nhà tôi chiều hôm ấy, 5 người ngồi 5 góc mà khóc. Sau khi bình tâm lại, tôi đã nhờ bác sĩ Vân ở Cát Tường gửi phim của Khang cho giáo sư Lockman. Hai vợ chồng tôi cũng trực tiếp gặp giáo sư và được giáo sư mở ra cho 1 tia hi vọng. Ông nói tai phải không mổ được nhưng tai trái còn hi vọng, xác suất thành công không thể nói trước, nếu trong quá trình mổ, giáo sư thấy nguy hiểm hoặc ông thấy không làm được thì ông sẽ đóng vết mổ lại. Cả nhà tôi lại hi vọng.
Trong lúc phẫu thuật, tôi hồi hộp lo lắng biết chừng nào, hễ có điện thoại của bác sĩ Vân là tôi lại sợ, tôi sợ nghe những tin không hay. Cuối cùng ca mổ cũng thành công ngoài sự mong đợi của tôi và mọi người. Tôi mừng đến rơi nước mắt. Trong lúc mổ Khang bị rò dịch não tuỷ nên phải chăm sóc kỹ hơn các bạn khác, nằm viện cũng lâu hơn các bạn khác.
Ngày Khang đi bật máy, cả nhà tôi háo hức cùng nhau đi. Nhưng cứ bật máy lên là Khang khóc thét, không chịu đeo, không đo được gì cả. Cả nhà tôi hụt hẫng vô cùng. Các bạn cấy cùng đều nghe tốt, nghe là quay lại ngay, còn Khang thì không. Tôi sốt ruột vô cùng. Phải 2 tháng sau, Khang mới có phản ứng với âm thanh. Và giờ Khang đã nghe được một năm rưỡi, Khang có thể đọc thuộc một bài thơ ngắn, kể một mẫu chuyện nhỏ gồm 5, 6 câu. Nghe cái giọng nói ngọng nghịu của Khang, nhìn cái miệng uốn éo một cách khó khăn của Khang, tôi thực sự hạnh phúc. Điện cực ốc tai đã mở ra cho Khang một cuộc sống mới, đem lại tiếng cười cho gia đình tôi.
Tôi chân thành cảm ơn Cochlear, cảm ơn các y bác sĩ, các thấy cô giáo chị các anh chị nhân viên của công ty Cát Tường đã đồng hành, giúp đỡ chúng tôi, mang âm thanh cuộc sống đến cho con trai tôi. Xin cảm ơn rất nhiều!
Còn một niềm vui nữa tôi muốn chia sẻ với mọi người. Gia Khang rất tình cảm. Một hôm đưa Khang đi học, tôi nghe tin bé Thanh Khê ( bạn đã mổ tai cùng Khang đợt trước, cũng tầm tuổi Khang) mổ tai thứ 2. Nghĩ đến con mình đã bị điếc rồi mà còn thiệt thòi hơn những trẻ điếc khác, chỉ mổ được một tai mà nghe lại không tốt bằng người khác ( Gia Khang phải cấy điện cực thẳng chứ không dùng được điện cực vòng và chỉ đưa vào được 21 kênh), tôi xót xa. Về đến nhà, tôi ôm con ngồi khóc. Gia Khang thấy mẹ khóc liền lấy tay lau nước mắt cho mẹ và vòng tay lại "On bỗi bẹ" (con xin lỗi mẹ). Khang tưởng mình làm gì có lỗi nên mẹ mới khóc. Thấy mẹ vẫn khóc, Khang leo xuống giường, đứng nghiêm và vòng tay: " on bỗi bẹ". Tôi thương con lắm, chỉ biết ôm con vào lòng, giọt nước mắt hạnh phúc cứ chảy dài trên má. Khoảnh khắc ấy tôi không bao giờ quên được.